Thay đổi của Việt Nam trong mắt một luật sư Mỹ


picture
Ông Fred Burke (ngoài cùng bên phải) tại một hội thảo về cải cách thủ tục hành chính

Tôi hiện sống ở Tp.HCM lâu hơn bất cứ nơi nào trên thế giới, kể cả ở San Francisco (Mỹ) nơi tôi sinh ra và lớn lên

Lần đầu tiên đến Việt Nam năm 1991, ông Fred Burke, luật sư điều hành chi nhánh của hãng luật Baker&McKenzie tại Việt Nam đã tận mắt nhìn thấy hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trước khi bước vào cuộc chuyển mình. Suốt mấy chục năm sống ở đây, ông đã chứng kiến những đổi thay từng ngày, từng giờ. Trong bài viết dưới đây, ông Fred Burke bày tỏ những ấn tượng và ghi nhận của mình về sự đổi thay sâu sắc của Việt Nam, nơi ông coi như mái nhà của mình (Hà Nguyên ghi).

Tháng 3/1991, tôi đặt chân tới Tp.HCM, ngày nay là trung tâm kinh tế năng động mà chúng ta đã quá quen thuộc với giao thông đông đúc, ồn ào và náo nhiệt, nhưng lúc đó chỉ là một thành phố vắng vẻ. Sau hàng chục năm chiến tranh, cấm vận của Mỹ và sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết, Tp.HCM chỉ có những chiếc xe Honda 50 cũ và xích lô của những người bộ đội phục viên.

Tôi nhớ hình ảnh những người ăn xin lang thang bên ngoài một cửa hàng kem trên phố Lê Lợi. Khi đó cũng ít có đèn đường khi trời tối. Hầu như không hề có sự hiện diện của người phương Tây trong khi số ít những người nước ngoài đến đây lại không mang theo trẻ con vì không có các trường học hay bệnh viện quốc tế.

Bắt đầu những dấu hiệu đổi thay

Tuy nhiên, chính ở đây đã bắt đầu có những dấu hiệu của hy vọng và đổi thay. Tôi được mời đến nói chuyện với một lớp học là những sinh viên học tiếng Anh. Năm 1991 gần như không ai nói tiếng Anh. Tôi ngay lập tức có thể nhận ra từ họ sự nhiệt huyết chảy bóng và khát khao mãnh liệt hướng về một tương lai tươi đẹp hơn.

Một vài học viên trong lớp học tiếng Anh đó nay đã trở thành những người lãnh đạo ở các doanh nghiệp của Việt Nam và nước ngoài. Họ cùng với những người khác đã đóng góp một phần vào sự biến đổi to lớn của xã hội, đưa Việt Nam ra khỏi đói nghèo, lạc hậu và khôi phục lại nền kinh tế.

Trước đây thành phố có những dãy nhà tồi tàn lụp xụp chạy dọc bên các đại lộ lớn, nay trở thành những ngôi nhà  và cửa hàng lộng lẫy của các doanh nhân và gia đình giàu có. Công cuộc giảm nghèo, không chỉ diễn ra trong Tp.HCM mà còn lan cả đến vùng châu thổ và miền núi. Việt Nam đã làm được nhiều điều để đưa quốc gia ra khỏi hoàn cảnh nghèo đói cuối những năm 80, dựa trên hai chính sách nền tảng là đổi mới và chiến lược hội nhập toàn cầu.

Trong số những thành tựu khác, Việt Nam đã mở ra, khai thác nguồn năng lượng to lớn, những nỗ lực và sáng kiến của người dân bằng việc cải cách nền kinh tế và tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển và cạnh tranh. Việt Nam cũng mở cửa cho các doanh nghiệp nước ngoài, một trong số đó là công ty của chúng tôi, được ổn định và chung sức với Việt Nam trong nỗ lực hội nhập với nền kinh tế toàn cầu và chiếm lĩnh những thị trường xuất khẩu mới.

Dưới góc nhìn của một chuyên gia về luật pháp, tôi nhận thấy, Việt Nam đã và đang xây dựng một hệ thống pháp luật hoàn thiện phục vụ cho thương mại và đầu tư bằng cách tiếp thu, vận dụng những ý kiến từ những hệ thống pháp lý trên thế giới. Quá trình này không phải lúc nào cũng bằng phẳng nhưng một trong những nhân tố góp phần vào thành công là việc các cơ quan chính phủ sẵn sàng đưa ra thảo luận công khai những ý kiến, quan điểm khác nhau về những vấn đề quan trọng như mức độ thị trường hóa của nền kinh tế. Làm thế nào để bảo vệ quyền lợi của người lao động trong khi vẫn tạo động lực cho các doanh nghiệp cạnh tranh? Làm thế nào để sử dụng có hiệu quả nhất tài nguyên quốc gia, bao gồm đất và tài nguyên khoáng sản trong một hệ thống kinh tế thị trường hỗn hợp?

Việt Nam cũng sáng suốt trong việc theo đuổi chính sách ngoại giao đa phương hóa với phương châm “thêm bạn, bớt thù”.

Điều hành vĩ mô góp phần ổn định phát triển

Cho dù có những thời  điểm, các doanh nghiệp có phần kêu ca và yêu cầu thêm về  tự do thương mại, sự thật là khi nhìn lại một vài thời điểm quan trọng trong những năm gần đây, những quyết định của Chính phủ về  việc kiểm soát tín dụng hay thắt chặt một cách thận trọng đối với các tổ chức tín dụng, cho thấy đó là những quyết định chính xác khi mà cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu lan đến Việt Nam.

Hiện nay, một phần nhờ những kế hoạch, phần khác là nhờ vào lợi thế, Việt Nam đã trở thành một trong số ít những nền kinh tế phát triển nhanh trên thế giới. Mặt lợi thế là sự kết hợp của các yếu tố về nhân khẩu học (dân số trẻ, nếu so với Nhật Bản và thậm chí là Trung Quốc), tinh thần hiếu học, cần cù trong lao động và tài nguyên thiên nhiên. Yếu tố “kế hoạch” là chế độ chính trị-xã hội ổn định, các chính sách kinh tế sát với thực tế cũng như sự hội nhập với các tổ chức thương mại toàn cầu như WTO, AFTA...

Có rất nhiều các ví  dụ về các nước trong khu vực Đông Nam Á với tương lai tươi sáng nay đã ở lại đằng sau lưng. Myanmar là quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới trong thập niên 40. Philippines là hình mẫu của chế độ dân chủ của khu vực những năm 50. Tỷ lệ tăng trưởng của Indonesia được duy trì liên tục trong những năm 80.

Tuy nhiên, những thành tựu trong quá khứ không bao giờ bảo đảm cho những thành công trong tương lai. Nếu không được kiềm chế, tệ quan liêu, chủ nghĩa bảo hộ và tham nhũng có thể sẽ len vào và làm suy yếu bất kỳ nền kinh tế nào. Các giải pháp về kinh tế và pháp luật thiếu tính thực tế có thể hủy hoại sự cạnh tranh tại các thị trường xuất khẩu. Thường xuyên đối thoại và thái độ thận trọng là cần thiết để tránh khỏi những cám dỗ từ những quyết định ngắn hạn trước mắt.

Tôi nhớ là trong giai đoạn tăng tốc để ký hiệp định thương mại Việt Nam và Hoa Kỳ năm 2001, nhiều doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam lo ngại rằng “họ sẽ là những con thuyền nhỏ phải tự mình bơi giữa đại dương rộng lớn”. Thế nhưng hiện nay, với kim ngạch xuất khẩu vào Mỹ khoảng 15 tỷ USD trong năm nay, những sự lo lắng đó là không có cơ sở.

Thực tế cho thấy các doanh nghiệp của Việt Nam - nếu được trao cơ hội - có thể băng qua những con sóng to nhất. Nếu tiếp tục duy trì như vậy, Việt Nam có thể trở thành một thành viên lớn trong sân chơi toàn cầu.

Coi Việt Nam như mái nhà thân yêu

Đối với những người nước ngoài đã từng sống lâu năm tại Việt Nam như tôi, những điều thu hút và níu kéo chúng tôi chính là sự chào đón thân thiện từ Chính phủ cũng như người dân, những người coi chúng tôi như là một thành viên trong cộng đồng của mình và cho chúng tôi được đóng góp xây dựng xã hội Việt Nam.

Tôi hiện sống ở Tp.HCM lâu hơn bất cứ nơi nào trên thế giới, kể cả ở San Francisco (Mỹ) nơi tôi sinh ra và lớn lên. Vợ tôi là người Sài Gòn và hai con của tôi đều được sinh ra tại đây. Do vậy, nơi này là mái nhà thân yêu của chúng tôi.

Cũng giống như những người dân của Tp.HCM, chúng tôi lo lắng về những vấn  đề như cơ sở hạ tầng, sự xuống cấp về môi trường và sự biến mất các di sản kiến trúc của TP trong quá trình hiện đại hóa. Nhưng nhìn chung, không một nơi nào khác trên thế  giới mà tôi muốn sống, ngoài nơi đây. Tôi đã tìm thấy ở đây hạnh phúc trong cuộc sống và trong công việc.

Chắc chắn 5 năm tới sẽ là khoảng thời gian đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu vẫn còn chưa hồi phục hoàn toàn sau cuộc khủng hoảng, tăng cường tính cạnh tranh và tránh chủ quan tự mãn là cực kỳ quan trọng. Những giải pháp ngắn hạn như kiểm soát giá cả và bảo hộ những lĩnh vực kinh doanh trong nước có thể sẽ làm giảm tổng thể tính cạnh tranh, tăng trưởng và đầu tư, trước khi Việt Nam nhận ra chuyện gì đang diễn ra.

Đô thị hóa và phát triển cơ sở hạ tầng cần đi đôi với việc bảo tồn những di sản văn hóa và lịch sử quốc gia để thu hút khách du lịch cũng là một thách thức. Tạo công ăn việc làm cho hơn 1 triệu người đến độ tuổi lao động đồng nghĩa với việc Việt Nam cần thu hút nhiều hơn và có chất lượng hơn đầu tư nước ngoài vào các ngành công nghệ cao, dịch vụ, nhất là du lịch cùng với việc nâng cao hệ thống giáo dục, đặc biệt trong đào tạo nghề cũng như các hình thức đào tạo nâng cao khác.

Đấu tranh với nạn quan liêu bằng cách hoàn tất Đề án 30 và chỉ ra những kết quả cụ thể trong hai năm rưỡi triển khai cũng là một mục tiêu quan trọng.

Đang có những hy vọng rằng sau Đại hội Đảng lần thứ XI vào đầu năm 2011, đội ngũ lãnh đạo mới sẽ tự tin hơn trong việc đẩy mạnh cải cách cần thiết nhằm giảm những lãng phí trong khu vực công, quản lý hành chính hiệu quả và tận dụng nguồn đầu tư nhằm tạo nên một nền tảng cạnh tranh mạnh mẽ. Những vấn đề này đã được khẳng định và quyết tâm của Chính phủ là rất cao, do vậy tôi tin rằng những thách thức này sẽ được giải quyết một cách thành công. Những năm tới, người dân Việt Nam sẽ có một cuộc sống tốt hơn hiện nay rất nhiều.

Cũng giống như rất nhiều những gia đình có vợ hoặc chồng là người nước ngoài, gia đình tôi là một phần của mô hình hội nhập toàn cầu. Vợ tôi đã đưa tôi về với gia đình lớn của cô ấy và gieo vào trong tôi những tình cảm, ý thức thuộc về nơi này mà tôi không thể có ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Tôi vẫn tiếp tục giữ mối liên hệ với Mỹ thông qua việc tham gia các hoạt động của ủy ban kết nghĩa giữa San Francisco và Tp.HCM, của Phòng Thương mại Mỹ (Amcham) cũng như các phòng thương mại nước ngoài và quốc tế khác. Tôi nghĩ những gia đình đa chủng tộc sẽ xuất hiện ngày càng nhiều, và đó cũng là một cách hội nhập quốc tế.



Related product you might see:

Share this product :

Đăng nhận xét

 
Support : Creating Website | Free Templates | Mas Template
Copyright © 2012. MÁY LẠNH VRV | NHÀ THẦU MÁY LẠNH TRUNG TÂM VRV | ĐẠI VIỆT GROUP - All Rights Reserved
Template Created by Creating Website Published by Mas Template
Proudly powered by Blogger